Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Đánh đu cùng số phận (21) - Kỷ niệm với Vodka nga

Đằng cũng ý tứ tỏ ra không quen tôi từ trước. Ánh mắt tôi nhìn anh như muốn hỏi: Diệu Thúy về chưa? Ánh mắt anh liền trả lời là chưa.
>> Đánh đu cùng số phận (11)>> Yêu thầy... thầy sẽ cho em học thạc sỹ

Gần trưa, câu chuyện của tôi với Bích Thuận vừa xong thì đã có điện thoại Huy Tuấn gọi tìm tôi. Và chỉ ít phút sau anh đã cho xe đến đón. Câu chuyện mà cô nữ sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học ấy kể làm tôi hết sức bất ngờ, ngồi trên xe quay về Ủy ban mà đầu óc cảm thấy bức bối không yên. Thời nay có chuyện đảo lộn các chuẩn mực đạo lý, luân lý đến vậy sao? Một số kẻ lại có thể sống buông thả đến vậy sao? Và giờ đây dường như họ vẫn chưa dừng lại, còn có thêm những âm mưu mới? Những ý nghĩ ấy cứ quay cuồng trong tôi. Xe đưa tôi đến trước cửa phòng làm việc của Huy Tuấn lúc nào mà tôi không hay. Từ trong nhà đi ra, anh ta vẫn tỏ ra ân cần định đưa tôi đến ngay nơi đặt bữa ăn trưa nay. Song tôi bảo còn sớm, nên quay lại phòng làm việc, tôi có chút việc muốn trao đổi. Trở lại, Huy Tuấn nhìn tôi ngỡ ngàng, hỏi:
- Thầy có việc gì cần thế ạ?
- Vừa rồi tôi đi gặp cô Bích Thuận, bạn thân của con bé Diệu Thúy đấy - Tôi nói, nhìn thẳng vào Huy Tuấn cũng là muốn xem phản ứng của anh ta thế nào - Đây là công việc nội bộ của các anh. Nhưng tôi biết bên công an đang chuẩn bị hồ sơ khởi tố Bích Thuận, chỉ mình cô ấy chịu án về tội môi giới mại dâm…
- Thưa thầy - Huy Tuấn cắt ngang lời tôi - Thầy quan tâm cả đến chuyện này ạ?
- Vì nó cũng liên quan đến chuyện của Diệu Thúy - Tôi nói - Thực ra thì cả hai cô gái ấy chẳng có liên quan gì đến tôi cả, do tôi đã vào cuộc muốn giúp Diệu Thúy, thì giờ đây lại nẩy sinh thêm rắc rối với bạn của nó. Tôi cảm thấy có nhiều điều không ổn về mặt pháp lý nếu dồn hết tội cho một người.
- Không hiểu cô gái kia nói với thầy thế nào, chứ sự việc cần giải quyết trước mắt chỉ là gia đình anh Đằng đón Diệu Thúy về để giáo dục và cho đi học tiếp thôi ạ.
- Nhưng nếu bên công an họ cứ khởi tố Bích Thuận về tội môi giới mại dâm, dồn tất mọi tội lỗi lên đầu nó, mà còn những kẻ chủ mưu, tòng phạm đứng sau nó vô can, thì sao?
- Thầy yên tâm đi - Huy Tuấn nói - Đây chỉ là chuyện sinh hoạt thôi mà, sẽ giải quyết ổn thoả mọi chuyện. Thôi, bây giờ trưa rồi, mời thầy đi ăn cơm. Hôm nay có một số anh lãnh đạo bên Tỉnh ủy cũng muốn được làm quen với thầy đấy ạ.
Phòng ăn của khách sạn lớn nhất thị xã này, trên bàn bầy biện đủ món. Thực khách của Huy Tuấn khá đông đang ngồi chờ, họ đều đứng lên niềm nở giơ hai tay bắt tay tôi. Tôi được bố trí ngồi cạnh một người lớn tuổi hơn cả, được Huy Tuấn giới thiệu là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Ngay từ đầu ông cũng gọi tôi là thầy, xưng em:
- Bọn em vẫn nghe danh thầy. Hôm nay thật vinh hạnh được gặp thầy ở đây.
Quả thực hai ngày nay, cách đón tiếp của các quan chức tỉnh này làm tôi bỗng trở nên bối rối. Có thực tôi đáng được trọng vọng thế không? Cũng bởi lâu nay tôi vẫn chỉ hay cặm cụi đọc sách, làm việc trong phòng thí nghiệm, ít giao đãi, ít xuất hiện trước đông người. Ông Phó bí thư còn bảo là anh học trò của tôi mới về tỉnh có hai năm mà đã làm được nhiều việc, một cán bộ trẻ có năng lực, có uy tín. Anh sắp hết thời hạn luân chuyển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, về trung ương chắc hẳn sẽ được trọng dụng ở vị trí cao.
Vào tiệc, khai vị bằng rượu vang Chi Lê, rồi đến Vodka Nga. Lâu lắm tôi mới uống lại thứ rượu trắng bốn mươi độ cồn này. Tôi có một kỷ niệm không quên với Vodka. Năm 18 tuổi tôi nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Ở chiến trường Tây Nguyên, rồi Khu Sáu được bốn năm, bị thương hai lần. Lần bị thương sau, trở ra Bắc điều dưỡng, được cấp trên cho ôn thi đại học, tôi đủ điểm đi học nước ngoài. Năm tôi sang Liên Xô đã 23 tuổi. Lớp tôi có một số sinh viên Việt Nam, Đông Âu còn lại chủ yếu là người Nga. Xứ lạnh, các bạn Nga đều uống rượu được, tửu lượng tôi thuộc loại xoàng, không thể nào đấu được với các chàng "Ivan" to đùng uống Vodka như uống nước suối. Tôi bị gục mấy lần, cứ tiệc tùng cụng ly là hãi, lẩn như chạch. Ở lớp tôi có nàng Olga tóc vàng mắt xanh, cao trên một mét bẩy mươi, đẹp như thiên thần. Người đã đẹp lại còn học giỏi nữa, sinh viên ta, tây đều mê tít, chỉ mong được nàng để mắt tới. Tôi thuộc diện xấu trai, mặt vuông vức nom hơi nặng nề, cao lòng khòng, ngực lép, vai xuôi, từ trẻ đầu đã ít tóc, nói năng giao tiếp lại vụng về, với cái mẽ ấy thì không thể đọ được với các chàng đẹp trai như tượng, lại mồm mép láu lỉnh thường săn đón quanh nàng.
Hôm đó tôi bị chuốc đến say xỉn. Vừa ra khỏi phòng tiệc bỗng thấy bụng dạ nôn nao, "ậc" lên mấy tiếng co thắt ruột, vội chạy ngay vào toilet, kịp thổ ra bồn rửa đầy cả chất lỏng nhớt mật xanh mật vàng. Rồi đầu nặng, chân nhẹ tôi chấp chửng vừa bước ra khỏi toilet đã muốn ngã. Bỗng thấy mình được dựa vào ai đó thơm tho, mềm mại như nhung lụa, giọng nói nhẹ nhàng như làn gió thoảng: Phan Lãng chỉ uống không ăn nên say quá rồi, để mình đưa bạn đi uống cốc nước chanh đá cho giã rượu nhé. Tôi như sực tỉnh. Hiểu ngay là mình đang dựa vào Olga thiên thần. Hóa ra suốt bữa tiệc tuy có bao nhiêu là chào mời cụng ly, song nàng vẫn để mắt đến tôi. Được khoác tay dựa vào Olga, còn được nàng ân cần đưa cốc nước chanh, những điều đó đủ để cánh con trai trong lớp hoàn toàn bất ngờ và nhìn tôi với cặp mắt ghen tị. Tôi không cải chính điều gì, chỉ tủm tỉm cười bảo: Ai bảo các cậu không say xỉn để được nàng  xốc nách! Nói vậy chứ tôi cũng biết từ lâu người đẹp cũng có để mắt đến tôi, đơn giản chỉ vì sức học của tôi ngang ngửa được với nàng. Chúng tôi nhiều lần cùng nhau chụm đầu giải bài toán khó, rồi từ năm thứ ba đã được thầy gợi ý đề tài để tập làm quen với nghiên cứu khoa học, nên hai đứa đã từng có buổi cùng nhau làm xêmina thuyết trình trước lớp.
Sau lần ấy Olga còn nói là nhìn Phan Lãng say xỉn thương lắm! Tôi liền trêu lại: Thế thì mình sẽ say xỉn suốt để bạn dìu về nhá? Cười giòn tan, mắt nheo nheo hóm hỉnh nàng bảo: Lần sau thì người ta sẽ ném cậu lên băng ca cứu thương như ném cái bao cát ấy. Đến khi ra trường, bao anh chàng si tình chưng hửng vì nàng đã chính thức nhận lời cầu hôn của một cầu thủ bóng đá nổi tiếng trong đội Spartak Matxcơva. Còn tôi, tất nhiên chẳng có mơ tưởng hão huyền gì, nhưng khi biết nàng đã thuộc về kẻ khác cũng thấy tiêng tiếc, bâng khuâng mất mấy ngày. Tôi tốt nghiệp đạt bằng đỏ, lại đã qua thử thách chiến trường nên được giữ lại làm nghiên cứu sinh, sau ba năm nữa có bằng Kanđiđát mới về nước. Tám năm sau, tôi có dịp trở lại Matxcơva làm tiến sĩ khoa học và gặp lại Olga ở một viện nghiên cứu. Gương mặt nàng vẫn đẹp, dẫu đã có nếp rạn chân chim nơi khoé mắt, khoé mồm mỗi khi cười, còn người thì xồ ra. Nàng buồn buồn, nhỏ nhẹ kể với tôi là đã chia tay với chàng cầu thủ nổi tiếng kia và hiện sống đơn thân với đứa con gái nhỏ trong một căn hộ khiêm tốn ở thủ đô. Nàng còn bùi ngùi thú nhận: Khi yêu chỉ thấy anh ta là ngôi sao sân cỏ, ngời ngời vẻ đẹp cơ bắp, khi lấy nhau rồi mới thấy anh thiếu cái mà mình đòi hỏi nhiều hơn, đó là trí tuệ. Hoá ra một người đầu óc sáng láng như nàng, cũng không thoát khỏi cái thói đời thường tình luôn bị hình thức bên ngoài làm loá mắt. Nàng hỏi tôi về gia đình, tôi không tiện kể ra những rạn nứt hạnh phúc do sự ghen tuông quá thái của bà vợ, mà chỉ nói nhiều về sự dễ thương của Đỗ Quyên lúc đó mới vào học lớp một. Nàng bỗng reo lên: chúng ta đều giống nhau, con gái cùng tuổi và cùng vào lớp một! Không giấu được tiếng thở dài nàng còn bảo: Mình không có được hạnh phúc trọn vẹn như Phan Lãng đâu. Thật mừng cho bạn! Có phải dù ở đâu, với ai trên thế gian này, hạnh phúc cũng vẫn là tấm chăn hẹp chăng? Tôi chỉ biết nhìn nàng với con mắt cảm thông. Và bỗng nghĩ tới câu ngạn ngữ Nga chính nàng đã dạy tôi hồi mới chân ướt chân ráo đến đất bạn: Đau khổ vì quá thông minh. Hình như câu ngạn ngữ ấy đã vận vào nàng và cả vào tôi nữa…
- Thầy ăn chút gì chứ ạ.
Lời ông Phó bí thư thường trực nhắc nhở, làm tôi như sực tỉnh sau giây lát miên man nhớ về cái thời đã qua hàng mấy chục năm liên quan đến thứ rượu trắng nổi tiếng của Nga. Và ông lại cụng ly. Trong số khách Huy Tuấn mời có cả đại diện của đoàn thanh niên, phụ nữ, mặt trận, họ lần lượt đến cụng ly với tôi. Cuối cùng là Lưu Văn Đằng. Lúc đầu tôi không thấy anh trong số thực khách đã đến ngồi từ trước ở dãy bàn dài. Anh cụng ly và nói nhỏ:
- Em có việc đến muộn, thầy ạ.
Ông Phó bí thư thường trực tưởng tôi không biết anh, liền giới thiệu:
- Anh Đằng, chủ tịch huyện P, huyện điểm về văn hoá giáo dục của tỉnh.
Đằng cũng ý tứ tỏ ra không quen tôi từ trước. Ánh mắt tôi nhìn anh như muốn hỏi: Diệu Thúy về chưa? Ánh mắt anh liền trả lời là chưa. Mục đích chuyến đi của tôi lên đây vậy là chưa hoàn thành! Tôi bỗng lại nhớ đến lời khẩn cầu tội nghiệp của Bích Thuận lúc chia tay tại cửa nhà cô: "Bác cứu cháu với! Cháu chẳng còn biết bấu víu vào ai. Đợt này họ định đổ hết mọi tội lỗi lên đầu cháu!".
Giờ đây, chính tôi cũng không biết phải làm gì thêm nữa để có thể cứu giúp cô. Người bị liên đới trách nhiệm cũng có mặt ở đây, làm sao có thể trình bày và nhờ họ giải quyết sự việc một cách công bằng, khi chính tay họ dính chàm. Tôi chẳng nghĩ được điều gì sáng sủa hơn. Xung quanh, những chúc tụng, tán tụng lại đổ xuống tôi rào rào như một trận mưa. Điều đó thật trớ trêu, bởi tôi vẫn luôn biết mình là một lão già hữu danh vô thực, chỉ lấy lòng tốt để giúp người là chưa đủ. Vả lại, họ tán tụng tôi thực lòng hay chỉ muốn làm đẹp lòng chủ nhân của bữa tiệc thịnh soạn này? Và chắc hẳn họ cũng thừa biết tôi chẳng thể giúp ích được cho ai nữa, một khi đã lạc vào mê hồn trận của những mối quan hệ nhằng nhịt, mà từ lâu rồi tôi đã bị loại ra khỏi những cuộc chơi như vậy.
Lờ đi, coi như không biết chuyện và lặng lẽ trở về, vùi đầu vào đống sách vở, có lẽ đấy là cách làm khôn ngoan nhất và không thể khác lúc này.
Phạm Quang Đẩu
Còn tiếp...
(Tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" của Phạm Quang Đẩu, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét